Nguyễn Quốc Việt, Cựu sv lớp Nhân học 07, Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, sđt liên hệ 0911901806. Cảm ơn sự ghé thăm của bạn!

31 thg 8, 2014

Độ tin cậy của dữ liệu định lượng và cách thức thẩm định

Như chúng ta đã biết phương pháp nghiên cứu định lượng là phương pháp thu thập dữ liệu bằng con số và giải quyết quan hệ giữa lí thuyết và nghiên cứu theo quan niệm diễn dịch. Phương pháp này đặc biệt phù hợp quan niệm tiếp cận của khoa học tự nhiên và thực chứng luận (positivism), liên quan với quan niệm khách quan (objectivist conception) cho hiện thực xã hội.
Phương pháp nghiên cứu định lượng được kiểm nghiệm bởi thực tế (khác với định tính), nghiên cứu định lượng rất rõ ràng, quan niệm khách quan. Vậy phương pháp nghiên cứu định lượng có độ tin cậy như thế nào?
1. ĐỘ TIN CẬY CỦA DỮ LIỆU ĐỊNH LƯỢNG
Độ tin cậy của số liệu là việc chúng ta hỏi cùng một câu hỏi như nhau và cùng một thủ tục, phương pháp như nhau thì thu thập được câu trả lời giống nhau đến mức nào. Phương sai (variance) chính là nói về độ tin cậy, còn độ lệch của số liệu lại liên quan đến tính hiệu lực của phương tiện đo. Phương tiện đo càng có tính hiệu lực cao thì độ lệch càng nhỏ. Và độ tin cậy càng cao thì phương sai càng giảm.
Nhìn chung độ lệch và phương sai càng nhỏ càng tốt. Để làm giảm thiểu 2 yếu tố này thì những nhà nghiên cứu cố gắng trong điều tra chọn mẫu. Muốn có độ tin cậy cao thì người nghiên cứu cần chọn và sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp. Nên sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng khi: Chủ đề nghiên cứu đã được xác định rõ và đã quen thuộc, những vấn đề cần đo lường khá nhỏ hay đã từng được giải quyết, khi không cần thiết phải liên hệ những phát hiện với các bối cảnh xã hội hay văn hóa rộng hơn hay bối cảnh này đã được hiểu biết đầy đủ, khi cần sự mô tả chi tiết bằng các con số cho một mẫu đại diện, khi khả năng tiến hành lại sự đo lường là quan trọng, khi cần khái quát hóa và so sánh kết quả trong quần thể nghiên cứu.
Độ tin cậy của dữ liệu định lượng còn phụ thuộc vào chất lượng của bảng câu hỏi như chất lượng của các câu trả lời, tính đầy đủ của một câu trả lời và của một bảng câu hỏi, tình hợp lý và sácthực của câu trả lời. Do đó việc đánh giá tính chính xác của dữ liệu thô trước khi sử lý phần nhiều phụ thuộc vào sự thẩm định các bảng câu hỏi. Thường thì để giảm thiểu những bảng trả lời thiếu xác thực hay “cho có lệ” thì nhà nghiên cứu hay lồng ghép các câu hỏi kiểm tra sự chân thực của đối tượng.
Tóm lại, có thể nói rằng các nghiên cứu và dữ liệu định lượng là đáng tin cậy khi phân tích và đánh giá tác động tâm lý, văn hóa, xã hội, kinh tế và hành vi của các đối tượng nghiên cứu. Những dữ liệu thu thập được có độ tin cậy xác định về mặt thống kê, những đánh giá đó có thể sử dụng cho phân tích và dự báo. Kết quả phân tích và dự báo định lượng được đối chiếu lại với cơ sở lý luận cho việc lập mô hình phân tích và dự báo. Sự phù hợp giữa lý luận và thực tiễn sẽ cho phép cho ra những quyết định hợp lý, đúng đắn nhất khi ta có dược những thông tin đáng tin cậy từ các nghiên cứu định tính.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu áp dụng phương pháp này, nhất là trong các nghiên cứu thị trường cần độ chính xác cao, có hiệu quả nhất để vạch ra các chiến lược kinh doanh. Trong các điều tra tâm lý tiêu dùng, các xu hướng xã hội… Thậm chí là trong các phân tích và dự báo thời tiết, hay việc xác định quỹ đạo bay của tên lửa bắn tới các hành tinh… những công việc đòi hỏi độ tin cậy và chính xác cao, đều có thể áp dụng phương pháp nghiên cứu này.
2. CÁCH THỨC THẨM ĐỊNH ĐỘ TIN CẬY CỦA DỮ LIỆU ĐỊNH LƯỢNG TRONG NHÂN HỌC.
Một cách để thẩm định dữ liệu định lượng đó là ta sử dụng thang đo trong nghiên cứu. Thang đo nhiều chỉ báo được sử dụng khi các thang đo đơn giản khác không giải quyết được vấn đề. Có thể nhận thấy rằng, ngay cả một câu hỏi riêng lẻ trong bảng hỏi cũng có tác dụng như một thang đo nếu nó cho phép bạn quy ước con người, nhóm hoặc đồ vật mà bạn đang nghiên cứu thành các phân loại của một biến. Trong khi đó, những biến được quan tâm nhất thường là những biến phức tạp và không dễ xác định chỉ với một chỉ báo. Chúng thường được đo lường bằng sự kết hợp giữa các thước đo về thu nhập, giáo dục, uy tín nghề nghiệp. Mỗi sự đo lường này là một thao tác hóa cho khái niệm địa vị kinh tế xã hội (SES).
Có những dữ liệu mà chúng ta không cần dùng đến các thang đo để thẩm định, nếu chỉ cần biết thông tin về thu nhập của họ thôi thì ta cũng có thể dự đoán được phản ứng của họ đối với câu hỏi đề cập đến thái độ của họ. Tuy nhiên một thang đo phức tạp về SES sẽ dự báo thái độ tốt hơn.
Chúng ta thường sử dụng thang đo Guttman dể xác định dữ liệu định lượng. Trong bài nghiên cứu của chúng ta sẽ có nhiều người trả lời, những người trả lời này gây ra sai lệch theo nghĩa là dữ liệu về họ làm giảm bớt mức độ chính xác của thang đo. Chúng ta có thể kiểm tra mức độ chặt chẽ của bất kỳ một dữ liệu dạng chỉ số nào có mô phỏng một thang đo chính xác hay không bằng cách áp dụng hệ số khả năng cơ mô phỏng của Guttman. Dựa trên những quy tắc của thang đo Guttman, ta có thể kiểm chứng dữ liệu định lượng. Ngoài ra ta có thể dùng thang đo Likert, phân tích sự chênh lệch giữa ngữ nghĩa, phân tích các mục hỏi…
Bên cạnh đó, quan sát trực tiếp có phản ứng cũng góp phần giúp ta thẩm định. Có 2 chiến lược cho quan sát hành vi: Ta có thể xuất hiện công khai và có phản ứng; hoặc là ẩn mình và không phản ứng. Với phương án 1, có thể sẽ có sự dung kịch của người trả lời, thứ 2, ta có thể quan sát được hành vi của người được phỏng vấn, từ đó có thể dự đoán được mức độ của dữ liệu thu được.
Kết luận: Độ tin cậy của dữ liệu định lượng không phải chỉ đơn giản là việc đánh giá những con số dữ liệu mà nhà nghiên cứu thu thập được mà còn dựa trên việc đánh giá quy trình thu thập dữ liệu, vấn đề mà nhà nghiên cứu hướng tới.
Nguồn: nhanhoc07.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

THÍCH VÀ CHIA SẺ