Nguyễn Quốc Việt, Cựu sv lớp Nhân học 07, Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, sđt liên hệ 0911901806. Cảm ơn sự ghé thăm của bạn!

28 thg 8, 2014

Vì sao đến với Nhân học... Bùi Thành Việt.

Nguồn trích: https://www.facebook.com/CAOHOCXAHOIHOC2006?fref=ufi  

Khi không còn sự lựa chọn khác về ngành học vì khả năng tài chính và cả cách biệt về mặt không gian địa lý thì việc lựa chọn ngành Nhân học là phù hợp nhất. Chưa tiếp cận nhiều về nghiên cứu của Nhân học ngoài những giờ giảng ngồi nghe với tác phong rất chi là tình hình… đó là gật gù với giọng nói trầm bổng vang lên và cả những con chữ lúc này như những mã code được xử lý mà chẳng thể giải mã được tín hiệu nào ngoài câu thơ thầy giáo đọc “khi biết yêu người ta bắt đầu nói dối, có phải thế không hỡi bạn bè cùng tuổi, lứa tuổi đã bắt đầu yêu”, có lẽ đoạn mã được đưa ra từ giảng viên và được sinh viên giải mã tốt và ghi nhớ cho đến chừ…

Thôi chẳng thể dong dài được, từ ngày bước chân qua Nhân học, lại được tiếp cận những vấn đề mới dù mọi thứ cũng không quá đang ngại vì dù sao Xã hội học và Nhân học có nhiều điểm tương đồng hay vẫn còn ai đó cho rằng ông E. Durkhiem là ông tổ của Xã hội học và người kia cho rằng ông là ông tổ của Nhân học hay cả trong tôn giáo vẫn xem ông là ông tổ, rõ khổ cho Durkhiem khi bị dành dật bởi đám hậu duệ của ngài… hay thỉnh thoảng trong nghiên cứu của Nhân học có thêm chút Xã hội học hay ngược lại Xã hội học thêm chút Nhân học cho dày công trình nghiên cứu… mà cũng đúng thì trong phương pháp tiếp cận liên ngành, cả hai bổ sung cho nhau cùng chứng minh các các nhận tố một cách sâu rộng. Với Nhân học chú trọng nghiên cứu xã hội tiền công nghiệp thì Xã hội học quan tâm đến xã hội hiện đại. Xã hội học được xem như là một bác sỹ chuẩn đoán bệnh cho xã hội thì nhà Nhân học được xem như một nhà nghiên cứu lịch sử đi tìm lại những căn nguyên của xã hội dựa trên miêu tả, so sánh, phân tích bối cảnh, tình huống và đặc điểm chung của xã hội với tư cách là một chính thể trọn vẹn, thì lúc này xã hội lại xem xã hội bằng cách sự kiện, hành động xã hội trong bối cảnh xã hội đương đại… cứ thế Xã hội học và Nhân học cứ đi song song với nhau…. Khác với khảo sát trên một cộng đồng theo diện rộng của Xã hội học thì Nhân học lại thâm nhập sau bằng quan sát tham dự … cứ thế Xã hội học và Nhân học gây nên nhiều hiểu lầm rất thú vị mà không phải ai cũng có thể phân biệt được.
            Vậy thì sự quyến rũ của Nhân học nằm ở đâu mà cảm thấy nó rất hợp với mình, vậy sự quyến rũ đó là gì? Tiếp cận như thế nào? Và nó sẽ giúp mình sau này thế nào, để thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của xã hội học…? sẽ thế nào… một loạt các câu hỏi đặt ra và phải nên cụ thể để hiểu Nhân học sẽ giúp ích gì…
            Một là, tìm kiếm thông tin về lịch sử quê hương thật sự đã làm mình ngỡ ngàng và càng đọc và tìm kiếm càng thấy kiến thức mình có chẳng là gì cả trước một khối lượng thông tin khổng lồ, mà thật sự chưa bao giờ tiếp cận. Hoặc nhiều bài học lịch sử cũng chẳng chứng minh được gì khi sự thật và bề dày lịch sử chỉ ra những điều hoàn toàn khác với những gì được biết… bi kịch là đây… hơn 400 năm chúa Nguyễn Hoàng vào mảnh đất Quảng Trị…. Trước đó nó là của Chăm, một khoảng thời gian được người Chăm khai phá với nền văn hoá phát triển khá dày trong trầm tích văn hoá của vùng đất này. Chúa Nguyễn Hoàng, binh lính, lưu dân đến từ miền Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh đã mang nền văn hoá của người Việt vào vùng đất này, vậy sự đan xen văn hoá hay xâm lăng văn hoá hay sự xung đột giữa văn hoá bản địa và văn hoá của Đàng Ngoài…? Như thế nào??? Lịch sử được ghi nhận thế nào? Lịch sử đã chứng minh được điều gì? …..
            Hai là, từ sự tìm tòi đó dẫn đến nhiều cứ liệu thu thập được và cả tài liệu được cách anh em mến tặng, tìm kiếm để dần dần làm rõ những câu hỏi trên một cách đầy lý thú. Bắt đầu từ cuốn Nhân học đại cương đã mang lại cho người mới tiếp cận một cách nhìn tổng quát về Nhân học, đối tượng, phương pháp và lãnh vực nghiên cứu của mình để người học hình dung nên ngành Nhân học khác với các ngành khoa học xã hội khác như thế nào?. Nếu người ta không dầm chân trần trong ruộng, thì sẽ không biết gì hết, bởi vì mọi sự diễn ra trong đầu con người. Cái tôi quan tâm là con người đối với môi trường của anh ta, anh ta sẽ làm gì với nó, anh ta sẽ làm bật ra cái gì từ đó, theo lịch đại, theo dòng các thế kỉ, theo sự phát triển của các nền chính trị và tâm lý con người. Con người, dầm chân trần trong đồng ruộng của mình, bùn lên đến nửa chân, họ suy nghĩ, phản ứng, tư duy và mơ mộng về chuyện khác nữa như thế nào.” Jacques Dournes, Bagard, 2/1992 (trích Nhà nhân học chân trần, Andrew Hardy, NXB Tri thức, 2013). Với đoạn này thôi thì đã được Nhân học quyến rũ rồi… Jacques Dournes đưa cho người đọc đến Champa Thượng và Pơtao, văn hoá kinh tế, lịch sử Việt Nam và miền núi thế kỉ XX, nhất là trong trao đổi về kinh tế của người Thượng và người Việt hết sức tự nhiên, ít gây ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế với người Việt, Người Thượng gùi cam để đổi lấy một đồ lót, chỉ trao đổi đơn giản và người Việt thu mua ngà voi, trầm hương, sừng tê giác và mang lại cho người Thượng muối, cá khô, nước mắm…. và những điều này được lặp lại vào những năm 2001, khi đi tình nguyện tại Gia Lai, với 1 gùi bơ gần 20kg, người Thượng vẫn chỉ đổi được vài con cá khô và ít ruốc khô, muối và ít gạo… với họ con cá khô quí vô cùng, hồi này chưa bị Nhân học quyến rũ nên ít có quan sát về lối sống của họ, đôi lúc thấy luyến tiếc.

            Đọc đến Pơtao một lý thuyết về quyền lực của người Jơrai ở Đông Dương, thì mới cảm nhận được sự miêu tả chân thực cuộc sống Pơtao, một nhân vật điển hình của núi rừng Tây Nguyên. Việt Nam trước khi diễn ra mọi cuộc Ấn Hoá và Hán Hoá, những dân tộc thuộc giống người Indien đã được các làn sống di  cư theo trục Tây Bắc – Đông Nam, đặt lên vùng cao nguyên Đông Dương… đến tận Indonesia. Những người Đông Dương cổ ấy tương đối bản địa, là người Chăm cổ, người Khmer cổ, và trở thành dân tộc ít người theo nghĩa văn hoá hơn là chủng tộc, đã thành công trong việc giữ nền văn minh và nên tự trị của mình cho đến khi có cuộc can thiệp tàn bạo của thực dân hiện đại… và người Jơrai gọi những nhân vật có chức năng đặc biệt là Pơtao, một tên gọi loại hình chứ không mang tính tôn ti. Chức năng của vị này là giữ mối quan hệ giữa xã hội loại với đấng siêu nhiên… khiên họ vừa là danh nghĩa Chủ tế nhưng cũng trạng thái vật chất trên 3 trạng thái Lữa, Nước, Gió; là vị chủ tế trung gian có quyền lực lớn tại các vùng đất xa xôi của Đông Dương mà khó từ nào diễn tả được và Pơtao được xem là quốc chủ mà các nước có quan hệ ngoại giao.

Chính điều đó Nhân học đem lại sự khám phá mà lâu lắm mới được tiếp cận, xem nó nghiên cứu ra sao, như thế nào, hoàn cảnh, cách thức, cái bên ngoài, cái tiềm ẩn để nói lên đặc tính và đời sống văn hoá xã hội của người Jơrai, bước đệm để đi đến nghiên cứu lịch sử quê nhà dưới một cách nhìn mới.
Ba là, để nghiên cứu thêm sâu hơn về lĩnh vực Nhân học, thì phải đọc Nhiệt đới buồn của Claude Lévi Strauss. Thật khó xếp nó vào thể loại nào. Mở đầu bằng một câu gây sốc “Tôi ghét các chuyến viễn du và các nhà thám hiểm”, nhưng nó lại là một cuốn du ký, hết sức gợi tò mò, không thiếu cả những pha phiêu lưu mạo hiểm, đưa chúng ta đến với những nhóm người ở xa xôi nhất trên hành tinh, còn gần nhất với tình trạng nguyên thuỷ, sắp và chắc chắn sẽ biến mất – cách nay nửa thế kỷ, nghĩa là nay đã biến mất hoàn toàn – mà ông là người chứng kiến và được tiếp xúc cuối cùng…
Cũng có khi, như trên một “tấm thảm bay” – tên một chương trong tác phẩm – ông đưa ta từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ hoang vu, đột ngột đến những thành phố nhân mãn chen chúc của Ấn Độ và Pakistan, mà ông e sẽ là hình ảnh tương lai của châu Âu; hay lên tận những vùng biên giới Myanmar, để gặp các nhà sư phi giới tính và được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật vừa thô sơ vừa vĩnh cửu, và cũng từ đó suy nghiệm về ý nghĩa sâu xa của văn hoá và đời sống con người…
Từ đó để tiếp cận thêm các nghiên cứu của các nhà Nhân học tiền bối, và cũng là độnglực để tiếp cận sâu hơn với Nhân học. Sự gần gũi của Dân tộc học và Nhân học đưa đến những dự định đến các vùng đất mới đề nghiên cứu như hành trình đi nghiên cứu các vấn đề văn hoá xã hội tại vùng Tây Nam Bộ, theo con đường của Chân Lạp Phong thổ ký thì có nhiều điểm không hoàn toàn như những ghi chép trong cuốn Chân Lạp Phong thổ ký… hay các du kí và lối dựng cảnh đầy chất sân khấu trong đó “các dân tộc man dã” được dùng làm nền. Từ đó Claude Lévi Strauss xem những nghiên cứu của dân tộc học, nhân học là công cuộc thám hiểm không phải là một chuyến đi, mà là một cuộc đào xơi: chỉ một sự việc thoáng qua, một góc nhỏ cảnh quan, một suy tư bắt được bất ngờ cho phép ra hiểu ra và giải thích được những chân trời chừng thật khô cằn. Nó hình thành nên suy nghĩ sẽ đào xới các tầng văn hoá để hiểu thêm những người đến mảnh đất này đâu tiên họ đã sinh sống như thế nào, nên văn hoá mang theo tồn tại ra sao, họ quan hệ với người bản địa như thế nào… sẽ mang lại một bối cảnh của xã hội lúc bấy giờ.
Có lẽ có một câu hỏi: Vì sao Claude Lévi–Strauss đặt tên cho tác phẩm của mình là Nhiệtđới buồn?

Quả thật cuốn sách kết thúc trên một âm điệu buồn. Và không phải chỉ ở miền nhiệt đới, cho miền nhiệt đới. Nỗi buồn trầm tư của nhân loại đang đứng trên ngã ba đường, ngoái nhìn lại phía sau, trước một chọn lựa mất còn, và tự hỏi một cách đau đớn, đồng thời lại vui mừng như một phát hiện cơ bản: chúng ta đã đi đến chỗ hơn gì tình trạng ban đầu, xa hơn “nơi ta đã cất bước ra đi”?
Cũng có người gọi Nhiệt đới buồn là một thiên tự truyện tinh thần, của một con người muốn tự soi và tự hiểu mình trong đối chiếu với lịch sử toàn nhân loại từ thuở khai sinh.
Từ đó đọc thêm Luận về biếu tặng của Marcel Mauss hay Một giọt sương từ sự đoạ đày – Hai mươi hai tiểu luận triết học của Hamvas Béla, mới hiểu thêm về nhiều giá trị xã hội, của sự khai phóng và tính nhân văn, hướng đến sự phát triển toàn diện của con người….
            Cơ duyên mang lại nhiều kiến thức mới nhưng cũng phải công nhận rằng Nhân học có sự quyến rũ lạ lùng…vì thì có thể ví Xã hội học là vợ thì Nhân học là người tình…. Và vợ và người tình thì không thể bỏ ai và đều chung thuỷ với nó…. đó là điều bất hạnh....

Nhân học là thế thôi…..



Bùi Thành Việt - Sài Gòn ngày 28/08/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

THÍCH VÀ CHIA SẺ