Chủ Nhật, ngày 09 tháng 3 năm 2014 - theo: congdongnhanhoc.edu.vn
Cứ lần lữa, lần lữa mãi, đến giờ phút này tôi mới cầm bút và quyết
định viết lên những tâm sự của mình về cái ngành Nhân học, sau gần 4 năm
« ăn nhờ ở đậu ». Trong tai tôi vẫn văng vẳng đâu đó những câu hỏi như
: nhân học là gì, nhân học làm gì…
Đó cũng là những trăn trở không chỉ của riêng tôi, mà còn của các bạn đồng học với tôi nữa !.
Đó cũng là những trăn trở không chỉ của riêng tôi, mà còn của các bạn đồng học với tôi nữa !.
Còn nhớ năm nhất, khi có người hỏi : « nhân học thì học cái gì ? » ,tôi
chỉ có biết đứng cười và trả lời một cách gượng gạo cho qua chuyện. «
Em học khoa sử » có lẽ là câu trả lời nhanh gọn nhất cho chính mình khi
rơi vào hoàn cảnh như vậy. « Nhân học trong tôi » khi đó cũng như một
đứa con bị bỏ rơi giữa cuộc đời, không ai quan tâm, chăm sóc.
Ảnh minh hoạ, nguồn internet |
Sang năm thứ 2, năm 3, sau những bước khởi đầu bỡ ngỡ và khó khăn, tôi
được học những môn chuyên ngành của nhân học. Trong đầu tôi khi ấy là
những nỗi băn khoăn và dằn vặt, tựa như đứa trẻ chập chững tập đi - đi
tìm lý tưởng sống cho mình. Học nhân học cho tôi cái nhìn mới về cuộc
sống, cho tôi biết và thấu hiểu con người. Nó thật quyến rũ và lạ lùng.
Nhưng những nỗi lo « cơm áo gạo tiền », sự sợ hãi « thất nghiệp » luôn
ám ảnh tôi suốt 2 năm trời chẳng khác gì cô gái đang tuổi cặp kê trong
nỗi lo « quá lứa lỡ thì ». Tôi lao vào đi làm thêm một cách quên mình,
và quên luôn « nhân học ». « Nhân học trong tôi » khi ấy cũng chỉ như
một người bạn bình thường, xa lạ và lạnh nhạt, người bạn sẽ cho tôi mảnh
bằng để một ngày ra trường « còn có lúc dùng tới ».
Cuộc sống học tập của tôi có lẽ sẽ tiếp diễn như vậy nếu không có những
lần trải nghiệm, sống với con người hiền hậu, chất phác nơi rừng núi xa
xăm. Đó là hai đợt thực tập mùa hè của chúng tôi trên mảnh đất Ba Vì
linh thiêng và bí ẩn. Tôi cảm thấy mình chẳng khác gì Tố Hữu « Từ đó
trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim », như một người
tù đầy trong cõi u mê, tôi nhận ra nhân học chính là một quan điểm sống
nhân văn, con người nhất. Nhớ một ngày, thầy tôi có nói : « dân tộc học
là học dân tộc », các dân tộc , tộc người chính là người truyền dậy cho
chúng tôi kiến thức. Quan điểm này cũng được thầy Trần Văn Giàu đúc kết
lại : « nhân dân là người thầy lớn nhất ». Tôi say sưa lắng nghe và
học hỏi, và biết rằng mình đang đi theo một con đường thật hoàn hảo-
con đường của sự bao dung, thấu hiểu con người.
Chỉ còn vài tháng nữa thôi, tôi sẽ hoàn thành khóa học cử nhân ngành
nhân học. Lúc này đây nếu bạn hỏi tôi « nhân học học cái gì », tôi sẽ
không ngần ngại trả lời rằng : Nhân học là học con người, học cách lắng
nghe và thấu hiểu những con người quanh ta. Tôi thấy rằng, trong cuộc
đời này chẳng có ai là « xấu xa » cả, mỗi người đều có những điểm tốt,
cái hay để ta học hỏi, và điều quan trọng là tấm lòng ta có muốn bao
dung và mở lòng hay không ?.
Thiết nghĩ, cuộc đời thật ngắn ngủi biết bao và cái chết như một cuộc
hẹn hò không báo trước. Tôi thấy mình thật may mắn khi được học « nhân
học », những nỗi lo vật chất thường ngày giờ đây cũng tựa vệt nắng qua
thềm hay mây bay trước gió. Dẫu mai này tôi không làm công việc liên
quan, thì tôi vẫn luôn tự hào rằng mình là sinh viên ngành « nhân học »
. « Nhân học trong tôi » luôn ấm áp và sẽ là hành trang để tôi viết
tiếp những bước đi cuộc đời mình.
Tùng Chi
K55 Nhân học Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét