Có những điều, hàng ngày, hàng giờ con người ta đụng phải, nó dường như rất quen thuộc mà chẳng mấy ai đi tìm hiểu xem ý nghĩa của nó như thế nào. Có thể người ta cho rằng nó đã hiển nhiên; ví dụ như trong tiếng Việt khi nói “lưỡi” người ta nghĩ ngay – À! Cái lưỡi là một bộ phận của con người nằm ở vị trí khoang miệng, có chức năng ngôn ngữ và chức năng dinh dưỡng. Nhưng tại sao “lưỡi” còn được hiểu là “lưỡi dao”, “lưỡi kiếm”, “lưỡi cưa”… mà chức năng của những lưỡi này chỉ là cắt, chém, xẻ…?
Lưỡi trong tiếng Anh có nghĩa là “tongue” – tức là một bộ phận trên cơ thể người và động vật, cũng có chức năng dinh dưỡng và ngôn ngữ như nói ở trên. Nhưng “lưỡi” trong từ lưỡi dao thì khác, nó có nghĩa là “knife blade”, lưỡi dao cạo là “razor blade”, lưỡi kiếm là “sword”; chúng chẳng liên quan gì đến “tongue”.
Thực ra, sự tương đồng trong cách nói như vậy không phải mặc nhiên mà có. Lưỡi dao, lưỡi kiếm, lưỡi cưa không phải không liên quan mà là liên quan khá chặt chẽ với cái lưỡi của con người. Cụm từ khóa ở đây chính là “chức năng ngôn ngữ của cái lưỡi”, đó chính là nguyên nhân làm nên sự tương đồng mà tôi nhắc tới. Mỗi con người, chỉ cần nghe được, hiểu được ngôn ngữ và chỉ cần có một chút xíu trải nghiệm thôi về cuộc sống thì sẽ có ít nhiều những vết chặt chém trong tâm hồn mang tên “cái lưỡi”.
Những người sống quanh tôi cũng thế, tôi chắc rằng, họ cũng từng bị những cái lưỡi mềm mại, linh hoạt kia cắt vào tim bằng những lời soi mói, bàn luận, chê bai và bình phẩm. Và chính bản thân tôi và một số người mà tôi yêu thương nhất cũng vậy! Cá nhân họ bình phẩm, chư đủ! Họ còn “làm việc nhóm” để bình phẩm! Công việc hết sức gian nan, nhưng lại rất trôi chảy, thậm chí là được thực hiện thành mô típ và quy luật nhất định. Họ sẽ đi từ việc liệt kê những hành vi, những công việc, những cách ứng xử, kể cả ngoại hình của tôi ra cho cả nhóm. Sau đó họ sẽ liên hệ với những hành vi, công việc và cách ứng xử của tôi trong lịch sử, rồi liên hệ với kết quả của những “phiên làm việc” trước của họ để đưa ra những suy luận. Và tất nhiên, cuối cùng, thành quả lao động mà họ thu được là những ý nghĩa trong hành động của tôi, chúng được suy luận rất công phu và logic. Với những ý nghĩa đó, họ cho rằng, họ đã thấu hiểu con người tôi hơn ai hết. Cuối cùng, “kết quả nghiên cứu” của họ được ứng dụng theo nhiều hình thức khác nhau. Có thể là những lời bình phẩm được truyền tai từ người này sang người khác rồi đến mình; cũng có khi là những lời còm men đầy ẩn ý và thông minh trên những trang mạng xã hội; cũng có khi là những lời trực tiếp đến tai mình hay đến tai một số người mà mình coi trọng nhất. Cái mục đích mà họ thực hiện là những vết cắt vào lòng người khác, để họ đau đớn và mất tự tin trong cuộc sống. – Cái lưỡi thật sắc bén!
Nhưng tại sao tôi vẫn nhìn cái lưỡi theo một cách phiến diện như vậy? Còn những mặt tốt của nó nữa. Rất nhiều, tôi tin là như vậy! Xin được đọc ra đây một đoạn trích trong sách: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du. (Nguyên văn tên sách: Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. Dictionnaire des symboles. Édition revue et augement tée. Robert Laffont, Paris 1992.). Từ đó, mọi người có thể có cái nhìn toàn diện hơn về cái lưỡi mà tôi muốn nói tới.
Trang 549 & 550: “Cái lưỡi được coi như một ngọn lửa. Nó có hình dáng giống như ngọn lửa và cũng mềm mại nhanh nhạy như lửa. Cũng như lửa, nó phá hủy hoặc làm cho trong sạch. Là công cụ của lời nói, nó sáng tạo hoặc hủy diệt, nó có quyền năng không giới hạn. Tùy theo những lời nói ra, cái lưỡi có thể là công minh hoặc độc địa, gian trá và độc ác. Sức mạnh của cái lưỡi toàn vẹn đến nỗi có quyền sinh quyền sát. Khi nói đến cái lưỡi mà không kèm theo tính từ gì thì bao giờ cũng là muốn nói đến cái lưỡi không ra gì, độc ác.
Quan hệ giao tiếp giữa con người với nhau phụ thuộc vào cái lưỡi; nó có thể là nhân tố gây xung đột, tranh chấp, những cũng là nhân tố làm nên cơ nghiệp, giàu có về vật chất và tinh thần. Cái lưỡi tự bản thân nó chỉ có một màu, tức là nó chỉ được nói đúng sự thật và chức năng xã hội đặc thù của nó là tặng cho xã hội cái màu của chính mình. Vì vậy kẻ nào nói không đúng sự thật thì người ta gọi hắn là “lưỡi không sương” hay “lưỡi hắn ta có kẻ sọc” Người ta cho rằng, biết giữ cái lưỡi mới biết làm chủ bản thân, và chính tri thức làm lên phúc phận cho cái lưỡi.”
Cuối cùng, mỗi người nên biết tạo ra phúc phận cho cái lưỡi của mình, và xin hiểu, phúc phận ở đây là tốt cho bản thân và cho những người xung quanh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét