Nguyễn Quốc Việt, Cựu sv lớp Nhân học 07, Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, sđt liên hệ 0911901806. Cảm ơn sự ghé thăm của bạn!

2 thg 8, 2012

NHÀ TÙ

Bản thân ta luôn đề cao nguyên tắc, lý tưởng, nhưng ta lại có xu hướng thích những người chất chứa sự bướng bỉnh, nghịch ngợm hơn là những người luôn tỏ ra phong cách lịch sự, đoan trang, lề phép.
Có một lúc nào đó, ta tự ôm đầu kêu lên: "Xin cho tôi một vé đi tuổi thơ...!". Có lẽ, bởi vì tâm hồn tuổi thơ không hề chứa đựng nhiều vướng bận, dằn vặt như bản thân ta. Càng lớn, càng sống, càng đi, và càng trải nghiệm thì ta lại càng tạo ra những viên gạch để xây nhà tù cho chính ta, để rồi, mỗi ngày ta càng cảm thấy ngột ngạt hơn trong đó. Ta suy tư, dằn vặt làm sao có thể xóa bỏ được nhà tù ấy với nguyên tắc, lý tưởng và giá trị. Những dằn vặt ấy lớn dần lên theo thời gian không khác nào di căn của một căn bênh ung thư, thậm chí có khi ta cảm giác như là một vết rắn cắn mà ta có thể cảm thấy chất độc từ dưới bàn chân đang chạy dần qua các mạch máu, ngấm vào từng tế bào, và đang từ từ tiến sát trung tâm của hệ thống tuần hoàn.
Sự kỳ vọng của gia đình trao cho ta những mục đích và bắt ta phải thực hiện. Tất nhiên gia đình không phải lúc nào cũng theo sát ta như hình với bóng, nhưng sự ràng buộc của nó là sợi dây thắt chặt nhất trong tâm hồn ta với hạt nhân là "đạo hiếu". Thoát khỏi sự kỳ vọng là thoát khỏi đạo hiếu, mà đạo hiếu là bổn phận, là cương thường mà bất cứ xã hội nào cũng đặt ra.
Trường đại học lại ban cho ta những quy chuẩn khác, đó là kỷ luật, là quy định và các điều kiện bắt buộc ta phải tuân theo. Thậm chí có những thứ không biết người ta đề ra để làm gì, trong khi nhiều người chưa cần đến hoặc có khi là không bao giờ cần đến. Tham gia bất kỳ một nhóm nào cũng cần phải tuân theo những nguyên tắc nhất định, đôi khi là vô nghĩa. Nếu không tuân theo thì hãy sẵn sàng đón nhận cô đơn thông qua sự tẩy chay tập thể.
Gía trị và chuẩn mực luôn tạo ra cho người ta một cuộc sống giả tạo, hay nói cách khác mỗi người trong thế giới này sẽ là một diễn viên trong vở kịch của cuộc đời, họ đóng kịch cho nhau xem và tự bôi son, trát phấn lên mặt nhau. Cho đến một lúc nào đó, họ ngồi lại tranh luận và phán xét với nhau về thiên thần và ác quỷ, tốt và xấu, yêu và ghét, tán dương và lăng mạ. Rồi đi đến kết luận một câu: "mọi thứ trên đời này đều là tương đối...". Tại sao những giá trị và chuẩn mực lại đưa đến một cuộc sống giả tạo? Người ta đề ra cho cuộc sống những khái niệm: tốt, đạo đức, luân lý, bao dung, liêm xỉ, lịch sự, văn minh... và những khái niệm ngược lại. Ta có thể trở thành một thiên thần, được yêu mến, được tán dương nếu như những biểu hiện của ta phù hợp với những chuẩn mực nêu trên. Và ngược lại, ta sẽ là một ác quỷ, bị căm ghét và lăng mạ. Bởi vậy mà con người ta luôn sống trong một màn kịch, luôn cố gắng thực hiện theo kịch bản văn minh, lịch sự, đạo đức, luân lý... mà không phải bằng những mong muốn thực sự của bản thân họ.
Ta chưa thể thoát ra được khỏi nhà tù ấy, vẫn bị ràng buộc. Ta vẫn còn buồn khi đôi lúc quên đi sự kì vọng của gia đình, ta vẫn còn buồn khi chưa thực hiện được những nhiệm vụ, và vẫn buồn khi bị xúc phạm, buồn khi bị cô đơn, buồn khi nghe những lời lăng mạ của người bạn này đối với một người bạn khác....!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

THÍCH VÀ CHIA SẺ