Nguyễn Quốc Việt, Cựu sv lớp Nhân học 07, Khoa Nhân học, Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, sđt liên hệ 0911901806. Cảm ơn sự ghé thăm của bạn!

16 thg 8, 2012

Luận về lưỡi

Có những điều, hàng ngày, hàng giờ con người ta đụng phải, nó dường như rất quen thuộc mà chẳng mấy ai đi tìm hiểu xem ý nghĩa của nó như thế nào. Có thể người ta cho rằng nó đã hiển nhiên; ví dụ như trong tiếng Việt khi nói “lưỡi” người ta nghĩ ngay – À! Cái lưỡi là một bộ phận của con người nằm ở vị trí khoang miệng, có chức năng ngôn ngữ và chức năng dinh dưỡng. Nhưng tại sao “lưỡi” còn được hiểu là “lưỡi dao”, “lưỡi kiếm”, “lưỡi cưa”… mà chức năng của những lưỡi này chỉ là cắt, chém, xẻ…?
Lưỡi trong tiếng Anh có nghĩa là “tongue” – tức là một bộ phận trên cơ thể người và động vật, cũng có chức năng dinh dưỡng và ngôn ngữ như nói ở trên. Nhưng “lưỡi” trong từ lưỡi dao thì khác, nó có nghĩa là “knife blade”, lưỡi dao cạo là “razor blade”, lưỡi kiếm là “sword”; chúng chẳng liên quan gì đến “tongue”.
Thực ra, sự tương đồng trong cách nói như vậy không phải mặc nhiên mà có. Lưỡi dao, lưỡi kiếm, lưỡi cưa không phải không liên quan mà là liên quan khá chặt chẽ với cái lưỡi của con người. Cụm từ khóa ở đây chính là “chức năng ngôn ngữ của cái lưỡi”, đó chính là nguyên nhân làm nên sự tương đồng mà tôi nhắc tới. Mỗi con người, chỉ cần nghe được, hiểu được ngôn ngữ và chỉ cần có một chút xíu trải nghiệm thôi về cuộc sống thì sẽ có ít nhiều những vết chặt chém trong tâm hồn mang tên “cái lưỡi”.
Những người sống quanh tôi cũng thế, tôi chắc rằng, họ cũng từng bị những cái lưỡi mềm mại, linh hoạt kia cắt vào tim bằng những lời soi mói, bàn luận, chê bai và bình phẩm. Và chính bản thân tôi và một số người mà tôi yêu thương nhất cũng vậy! Cá nhân họ bình phẩm, chư đủ! Họ còn “làm việc nhóm” để bình phẩm! Công việc hết sức gian nan, nhưng lại rất trôi chảy, thậm chí là được thực hiện thành mô típ và quy luật nhất định. Họ sẽ đi từ việc liệt kê những hành vi, những công việc, những cách ứng xử, kể cả ngoại hình của tôi ra cho cả nhóm. Sau đó họ sẽ liên hệ với những hành vi, công việc và cách ứng xử của tôi trong lịch sử, rồi liên hệ với kết quả của những “phiên làm việc” trước của họ để đưa ra những suy luận. Và tất nhiên, cuối cùng, thành quả lao động mà họ thu được là những ý nghĩa trong hành động của tôi, chúng được suy luận rất công phu và logic. Với những ý nghĩa đó, họ cho rằng, họ đã thấu hiểu con người tôi hơn ai hết. Cuối cùng, “kết quả nghiên cứu” của họ được ứng dụng theo nhiều hình thức khác nhau. Có thể là những lời bình phẩm được truyền tai từ người này sang người khác rồi đến mình; cũng có khi là những lời còm men đầy ẩn ý và thông minh trên những trang mạng xã hội; cũng có khi là những lời trực tiếp đến tai mình hay đến tai một số người mà mình coi trọng nhất. Cái mục đích mà họ thực hiện là những vết cắt vào lòng người khác, để họ đau đớn và mất tự tin trong cuộc sống. – Cái lưỡi thật sắc bén!
Nhưng tại sao tôi vẫn nhìn cái lưỡi theo một cách phiến diện như vậy? Còn những mặt tốt của nó nữa. Rất nhiều, tôi tin là như vậy! Xin được đọc ra đây một đoạn trích trong sách: Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng & Trường viết văn Nguyễn Du. (Nguyên văn tên sách: Jean Chevalier, Alain Gheerbrant. Dictionnaire des symboles. Édition revue et augement tée. Robert Laffont, Paris 1992.). Từ đó, mọi người có thể có cái nhìn toàn diện hơn về cái lưỡi mà tôi muốn nói tới.
Trang 549 & 550: “Cái lưỡi được coi như một ngọn lửa. Nó có hình dáng giống như ngọn lửa và cũng mềm mại nhanh nhạy như lửa. Cũng như lửa, nó phá hủy hoặc làm cho trong sạch. Là công cụ của lời nói, nó sáng tạo hoặc hủy diệt, nó có quyền năng không giới hạn. Tùy theo những lời nói ra, cái lưỡi có thể là công minh hoặc độc địa, gian trá và độc ác. Sức mạnh của cái lưỡi toàn vẹn đến nỗi có quyền sinh quyền sát. Khi nói đến cái lưỡi mà không kèm theo tính từ gì thì bao giờ cũng là muốn nói đến cái lưỡi không ra gì, độc ác.
Quan hệ giao tiếp giữa con người với nhau phụ thuộc vào cái lưỡi; nó có thể là nhân tố gây xung đột, tranh chấp, những cũng là nhân tố làm nên cơ nghiệp, giàu có về vật chất và tinh thần. Cái lưỡi tự bản thân nó chỉ có một màu, tức là nó chỉ được nói đúng sự thật và chức năng xã hội đặc thù của nó là tặng cho xã hội cái màu của chính mình. Vì vậy kẻ nào nói không đúng sự thật thì người ta gọi hắn là “lưỡi không sương” hay “lưỡi hắn ta có kẻ sọc” Người ta cho rằng, biết giữ cái lưỡi mới biết làm chủ bản thân, và chính tri thức làm lên phúc phận cho cái lưỡi.”
Cuối cùng, mỗi người nên biết tạo ra phúc phận cho cái lưỡi của mình, và xin hiểu, phúc phận ở đây là tốt cho bản thân và cho những người xung quanh!

 

Sinh nhật em

Tháng Sáu, tháng Bảy, rồi đến đầu tháng Tám, tớ thật khủng hoảng với những khoản chi tiêu không dự tính. Nhiều lúc hút hẫng khi nghĩ mình bất lực trong việc quản lý tài chính của bản thân. Hôm nay, tớ thực sự bối rối và bị động, nhưng rồi, mọi thứ đã kết thúc thật ý nghĩa, rồi ngày mai tớ vẫn muốn những điều giản tiện sẽ được tạo ra như thế.
Sinh nhật cậu, tớ thật buồn!
Và cậu biết rồi đó! Ngày sinh nhật cậu, tớ suy nghĩ, tớ buồn, tớ chỉ muốn uống cho thật say, và tớ uống nhiều thật, nhưng sinh nhật cậu nên tớ không thể say, tớ cứ trơ trơ ra, nửa muốn say, nửa không muốn. Buổi tối, như cậu đã nói trước, cậu dành cả thời gian để bên cạnh tớ, cùng ăn tối, cùng đi dạo, cùng nói chuyện và uống cà phê...
Một buổi tối rất tuyệt vời phải không? Nhưng tớ vẫn chưa tặng quà cho cậu! 10 giờ 30 rồi! Chúc cậu ngủ ngon! Tớ tính chạy đi mua một bông hồng để tặng cậu. Chạy vòng làng Đại học, tất cả những hàng hoa đều đã đóng cửa. Tớ thất vọng! Nhiều suy nghĩ chập chừng trong đầu! Tớ chưa bao giờ tặng hoa cho người con gái nào cả. À! Có một lần! Lần giúp bạn tặng hoa cho người bạn gái của nó! Như vậy cũng có nghĩa là tớ chưa từng! Vậy mà cũng không làm được. Nghe nói tặng hoa hồng có nhiều ý nghĩa lắm! Trước kia tớ chưa từng tặng nên cũng chẳng cần nghiên cứu ý nghĩa của nó làm gì! Nhưng mà tớ thấy người ta làm vậy, nên cố gắng chạy càng nhanh càng tốt, hi vọng cậu sẽ cảm thấy hạnh phúc cho đến khi ngày sinh nhật kết thúc. Cũng không làm được!
Trong một lát, xung quanh tớ, những cánh cửa được ráp lại, những ánh đèn vụt tắt, chỉ còn một tiệm trái cây trước mặt. Hôm nay, tớ vẫn chưa tặng quà cho cậu! Hay là tặng cậu một món trái cây nào đó? Tớ nghĩ vậy và cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Tớ bước vào, nhìn khắp lượt, chôm chôm, xoài, ổi, thanh long, chuối, sầu riêng, táo, măng cụt, mãn cầu, mít,... còn một loại trái nữa bên cạnh đống chôm chôm là trái gì nhỉ...? À... là vải! Còn có thêm hai hay ba cây hoa cúc gì đó trong tiệm.Và tớ đã chọn trái táo, bởi vì nó rất đẹp, to, và vẻ bề ngoài thanh thoát hơn những trái cây khác, nhìn rất ngon.
Tớ đã mua trái táo trước khi gán những ý nghĩa cho nó! Tớ đặt trái tao lên cân, tớ đã thấy họ dán những chiếc lá, những chữ song hỉ lên trái táo như khi đi tìm hiểu về lễ cưới tớ thấy. Tớ nảy ra ý định xin một hình trái tim để gắn vào đó. Ý tưởng hay đó chứ hả! Tuyệt vời! Có luôn! Tớ giữ trái tim và chạy thục mạng, sợ cậu ngủ mất! Hồi hộp quá! Không biết cậu đón nhận như thế nào? Lúc đó, nó thật quan trọng đối với tớ! Nếu không may đánh rơi nó, chắc ngực tớ thắt lại mất.
Được rồi! Tớ không còn nhớ mình đã tặng nó như thế nào cho cậu, và đã nói gì với cậu. Tớ chỉ biết tớ đã nhận được một tin nhắn rằng: "Được rồi! Em sẽ nhận lời trái tim của anh. Em sẽ nâng niu và yêu thương nó như trái tim mình, như tình yêu của anh. Ngủ ngon anh nhé!". A...! Sướng quá! Cảm ơn cậu! Mất ngủ rồi! :)

Cho tôi xin lại cô đơn

Ngồi một mình dưới sương lạnh, ta cảm thấy có một điều gì đó giống như gặp lại một vật bị đánh rơi được ai trả lại. Ta yêu cái một mình, một kỳ gian không hề vướng bận. Ta suy nghĩ đến một điều gì đó mà không bị một suy nghĩ khác ràng buộc. Khói thuốc tự do bay lượn lên cao, một số hình ảnh chập chờn như sự thoát hiện của vài ba tinh tú hiếm hoi. Cuộc sống được cảm thấy như là một gia vị rất khó chịu khi ta bắt gặp những giọt trà đắng, từng giọt, từng giọt thấm vào khiến cho đầu lưỡi co ríu lại…. rồi, nó tan ra hoà tan vào tất cả các cơ quan trong khoang miệng, một sự ngọt ngào sa phê khi nhận thấy bản thân ta được hiện sinh với những mùi vị khác nhau mà con người đã có, có đắng cay và có ngọn ngào.
Người ta sợ buồn, sợ cô đơn, nhưng trong cuộc sống này, người ta vẫn phải bắt gặp nó đến nỗi mà có người phải luỵ, thậm chí là quỵ để đi tới huỷ hoại cái kiệt tác tự nhiên mà Người đã ban cho. Còn ta, ta không vô cảm nhưng cứ vô tư mà sống với đời, vẫn thưởng thức nỗi buồn và cô đơn. Có lúc ta tự hỏi, tại sao con người hay nghiện những thứ đắng cay như trà hay rượu mà không phải là những thứ ngọt ngào như đường hay mật. Phải chăng sự ngọt ngào chỉ có thể được cảm nhận khi ta gặp được những thứ đắng cay. Cũng đúng lắm chứ, phải biết yêu những ta sợ để biết giá trị của những cái ta yêu quý để mà còn biết trân trong nó. Ta hãy cứ buồn trong cô đơn, nhưng đừng quỵ luỵ trước nó! :))
Ghét thật! Một điều gì đó đột nhiên giật phắt cái máy quay đang lia vào nội tâm ta. Mặt Trời ! Phũ phàng quá!  Muốn kháng cự, nhưng ta dường như yếu đuối trước thực thể này, không thể nào giận được, vì nó đem cho ta những điều hạnh phúc hơn là nỗi buồn và sự cô đơn! Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui! :)

2 thg 8, 2012

NHÀ TÙ

Bản thân ta luôn đề cao nguyên tắc, lý tưởng, nhưng ta lại có xu hướng thích những người chất chứa sự bướng bỉnh, nghịch ngợm hơn là những người luôn tỏ ra phong cách lịch sự, đoan trang, lề phép.
Có một lúc nào đó, ta tự ôm đầu kêu lên: "Xin cho tôi một vé đi tuổi thơ...!". Có lẽ, bởi vì tâm hồn tuổi thơ không hề chứa đựng nhiều vướng bận, dằn vặt như bản thân ta. Càng lớn, càng sống, càng đi, và càng trải nghiệm thì ta lại càng tạo ra những viên gạch để xây nhà tù cho chính ta, để rồi, mỗi ngày ta càng cảm thấy ngột ngạt hơn trong đó. Ta suy tư, dằn vặt làm sao có thể xóa bỏ được nhà tù ấy với nguyên tắc, lý tưởng và giá trị. Những dằn vặt ấy lớn dần lên theo thời gian không khác nào di căn của một căn bênh ung thư, thậm chí có khi ta cảm giác như là một vết rắn cắn mà ta có thể cảm thấy chất độc từ dưới bàn chân đang chạy dần qua các mạch máu, ngấm vào từng tế bào, và đang từ từ tiến sát trung tâm của hệ thống tuần hoàn.
Sự kỳ vọng của gia đình trao cho ta những mục đích và bắt ta phải thực hiện. Tất nhiên gia đình không phải lúc nào cũng theo sát ta như hình với bóng, nhưng sự ràng buộc của nó là sợi dây thắt chặt nhất trong tâm hồn ta với hạt nhân là "đạo hiếu". Thoát khỏi sự kỳ vọng là thoát khỏi đạo hiếu, mà đạo hiếu là bổn phận, là cương thường mà bất cứ xã hội nào cũng đặt ra.
Trường đại học lại ban cho ta những quy chuẩn khác, đó là kỷ luật, là quy định và các điều kiện bắt buộc ta phải tuân theo. Thậm chí có những thứ không biết người ta đề ra để làm gì, trong khi nhiều người chưa cần đến hoặc có khi là không bao giờ cần đến. Tham gia bất kỳ một nhóm nào cũng cần phải tuân theo những nguyên tắc nhất định, đôi khi là vô nghĩa. Nếu không tuân theo thì hãy sẵn sàng đón nhận cô đơn thông qua sự tẩy chay tập thể.
Gía trị và chuẩn mực luôn tạo ra cho người ta một cuộc sống giả tạo, hay nói cách khác mỗi người trong thế giới này sẽ là một diễn viên trong vở kịch của cuộc đời, họ đóng kịch cho nhau xem và tự bôi son, trát phấn lên mặt nhau. Cho đến một lúc nào đó, họ ngồi lại tranh luận và phán xét với nhau về thiên thần và ác quỷ, tốt và xấu, yêu và ghét, tán dương và lăng mạ. Rồi đi đến kết luận một câu: "mọi thứ trên đời này đều là tương đối...". Tại sao những giá trị và chuẩn mực lại đưa đến một cuộc sống giả tạo? Người ta đề ra cho cuộc sống những khái niệm: tốt, đạo đức, luân lý, bao dung, liêm xỉ, lịch sự, văn minh... và những khái niệm ngược lại. Ta có thể trở thành một thiên thần, được yêu mến, được tán dương nếu như những biểu hiện của ta phù hợp với những chuẩn mực nêu trên. Và ngược lại, ta sẽ là một ác quỷ, bị căm ghét và lăng mạ. Bởi vậy mà con người ta luôn sống trong một màn kịch, luôn cố gắng thực hiện theo kịch bản văn minh, lịch sự, đạo đức, luân lý... mà không phải bằng những mong muốn thực sự của bản thân họ.
Ta chưa thể thoát ra được khỏi nhà tù ấy, vẫn bị ràng buộc. Ta vẫn còn buồn khi đôi lúc quên đi sự kì vọng của gia đình, ta vẫn còn buồn khi chưa thực hiện được những nhiệm vụ, và vẫn buồn khi bị xúc phạm, buồn khi bị cô đơn, buồn khi nghe những lời lăng mạ của người bạn này đối với một người bạn khác....!




Không không

Lại thêm một đêm nữa ngồi đọc tất cả notes của ai đó với hi vọng được hiểu họ. - Những dòng cảm xúc mà chưa ai từng đặt tên cho nó. Khó nói ra, nhưng "hiểu", thậm chí thử đặt mình vào trong những trải nghiệm của họ để "biết".
Nơi những cảm xúc đó, tồn tại quá trình đi từ sự vô định đến sự tự định vị. Hay nói cách khác là sự tìm lại bản ngã trước cái khoảng lặng của kỳ gian. Nói sao cho dễ hiểu nhỉ? Kỳ gian - không gian và thời gian dưới sự cảm thức của tâm hồn. Cái khoảng lặng đó, trong giây lát thôi - tâm hồn tưởng như còn hoang sơ lắm, đến nỗi mà người ta chưa kịp nhận ra những cái tưởng như gần gũi nhất - ở nơi đâu (không gian) và khi nào (thời gian)... Một lịch sử ngược (từ những điều xảy ra gần nhất đến quá khứ xa hơn) sẽ là công cụ để ai đó tìm lại bản ngã của bản thân họ. Có lẽ, khi ấy là thời điểm thích hợp nhất để tìm hiểu phần người của một ai đó! Sẽ không có ai nói cho ta biết rằng trong đầu họ đang chứa đựng những gì -  nhận thức cảm tính, nhận thức lý tính hay  những trạng thái tình cảm nào theo sự phân định của Tâm lý học. Nhưng sẽ thật dễ dàng để thấy được những câu chuyện thực sự có ý nghĩa đối với một con người, bởi lúc đó chỉ tồn tại cái tôi, một cái tôi không bị ràng buộc.
Ta muốn hiểu con người ấy! Mà tại sao vậy?
Vì sự bí ẩn và bản thân ta tò mò? Có lẽ! Bởi vì bất cứ lúc nào bản thân ta sẽ chịu đựng những cú sốc do những hành động bí ẩn mang lại! Đôi khi, đó lại là hành động của chính những người bạn thân khiến ta cảm thấy khó chịu! Hành động gây sốc đó đôi khi người ta hay gọi là "khùng"!
Cái đẹp ư? Có thể lắm! Nếu như hiểu được hành động của ai đó, giải thích được nó, ta sẽ dễ dàng chấp nhận những hành động đó là có giá trị, là đẹp, và nó gây xúc động cho ta như một liều thuốc phiện khiến bản thân ta sảng khoái. 
Điều gì khiến cho ta giờ này phải lang thang trên những miền kí ức của ai đó.  Một người! Thử về một người mà ta đang cố gắng để hiểu! Những biểu hiện ban đầu của người ầy khiến cho ta thấy đặc biệt và ta cảm thấy một sự bí ẩn chưa từng. Sự cuốn hút, nó giống như những viễn tượng mà cậu bé Tom Sawyer hướng đến mỗi khi bắt đầu một cuộc phưu lưu. Và ta đánh cá rằng sẽ hiểu được con người ấy. Nghịch lý là ta lại không sao diễn tả nó. Cảm xúc của họ cứ dàn trải ra, những câu chuyện được hình thành từ những mảnh viễn tượng mà chính họ cũng không thể nắp ráp được. Không liền mạch, không cốt truyện, cũng không có mở đầu và kết thúc. Ta lại không biết tại sao sự rời rạc đó vẫn khiến cho ta cảm thấy hợp lý, những mảnh ghép lộn xộn đó vẫn khiến cho ta cảm thấy sự hoàn hảo.
Không chừng ta đã sai hay sao? Ôi, nếu vậy thì...! Có thể nào ta chẳng hiểu gì mà là ta đang cố gắng nhặt nhạnh những mảnh ghép của người khác để xếp vào bức tranh của chính mình, và tự đặt cho nó một bối cảnh hợp lý... Không chắc! Chưa đủ, tất cả những gì ta lĩnh hội được về con người chẳng thể giải thích được cho những cảm xúc không tên mà ta thấy được.
Còn bản thân ta thì sao?
Thời gian này, ta lười viết quá! - điều đó giống như việc ta quên đi sự tồn tại của chính mình... Đọc notes, thấy bạn bè mình giàu có thật, cũng thấy chạnh lòng khi cảm thấy trong đầu ta trống rỗng.

1 thg 8, 2012

Hà Nội và tôi

Một buổi sáng thức dậy, tôi thấy hai tay mình xoa mạnh vào nhau, tôi chưa nghĩ ngay ra điều gì. Nhưng là một điều rất quen thuộc - cái hành động ấy... ? Là một ngày tiết trời Sài Gòn se lạnh - tôi đã định vị được kỳ gian của mình. Miền Bắc - giống miền Bắc - giống Hà Nội. Tôi cảm thấy nhớ Hà Nội và những ký ức về nó chợt hiện lên vừa xa xôi vừa gần gũi, vừa ngắt quãng vừa rõ ràng...
Một ngày cách đây mời năm, lúc đó tôi mới chỉ là một đứa trẻ, đi qua cầu Chương Dương lúc trời vừa xế chiều, mọi người trên xe nói: "Tới Hà Nội rồi!" - Không biết người ta đã bỏ ra bao nhiêu sắt để làm nên cây cầu này, lần đầu tiên tôi nhìn thấy một cây cầu vĩ đại đến thế. Tôi nghe người ta nói: nước sông Hồng mang màu đỏ của phù sa: Nhưng bữa đó, rõ ràng mặt trời đã làm cho nó đỏ. Một ấn tượng về Hà Nội nhưng rất khó để nói nên cảm xúc ấy. Chắc là một sự choáng ngợp.
Có lẽ tôi khác nhiều với những người trong nhóm thợ cùng quê. Họ thường chơi bài vào mỗi buổi tối, có lúc thì chơi ăn tiền, khi thì đánh bài trả tiền nước. Sau một ngày làm việc, tôi thường đi dạo quanh bờ hồ Linh Đàm, và ngày nào cũng thế. Tôi không kiếm tìm một điều gì đó, tôi thích ngắm nhìn những hàng liễu phập phờ, những chiếc ghế đá, và những con người ở đây. Những người thành phố thường tập thể dục vào buổi tối chứ không phải là buổi sáng như đám trẻ con trng làng tôi. Họ mặc những bộ đồ thể thao trắng muốt, và đi giày. Còn chúng tôi chạy chân không tập thể dục buổi sáng. Tôi quen biết với một bác cũng người Hà Nội, người ta thường gọi ông là Bác Cả. Không biết bác là anh cả trong một gia đình, hay tên thật là như vậy. Nhưng  tôi cũng gọi bác  bằng cái tên đó và cảm thấy thân mật. Bác cả thường gpij tôi vào quán nước của bác mỗi khi tôi đi dạo qua. Bác nhìn cũng giống như chúng tôi, không giống như những người thành phố khác mà tôi nhìn thấy. Bác Cả là người sinh ra ở đây, bác thường kể cho tôi nghe về những năm tháng chiến đấu của bác - câu chuyện về làm thế nào sống được khi bị địch bao vây,  bác còn kể chuyện về  mười hai ngày đêm lịch sử - câu chuyện lấy đá ném máy bay Mĩ. Và cả những đổi thay của nơi này trong vài chục năm trở lại đây.  Có rất ít người thích nghe những câu chuyện đó? Tôi nhớ một lần, một người phụ nữ đã xen vào cuộc kể chuyện của bác: Ôi dào ơi! Bây giờ là thời buổi nào rồi mà ông vẫn còn kể mấy chuyện ấy" - Bậy giờ, tôi không nhớ nhiều những câu chuyện của Bác Că, nhưng quả thực tôi yêu những câu chuyện lịch sử bắt đâu từ thời gian đó, đó là thứ lịch sử không khô khan giống như những gì tôi được dạy trong sách. Đi kèm với lịch sử là những câu chuyện cụ thể, có thật, xen lẫn tình cảm của người kể chuyện. Tôi nhớ Bác Cả, bảy năm rồi không còn được nghe những câu chuyện của bác. Không biết bây giờ bác ấy còn khỏe không?
Hà Nội cũng là nơi hình thành cho tồi giấc mơ vào đại học. Năm ấy, tôi không còn làm ở Linh Đàm nữa, tôi chuyển đến sửa chữa cho một khách sạn ở bên trong Trường Đại học Ngoại ngữ - quận Thanh Xuân Bắc. Những người sinh viên đầu tiên mà tôi gặp đã để lại nhiều ấn tượng. Họ dìu những người già qua đường, họ nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai, và cả những đứa trẻ. Sinh viên - một điều gì đó rất đẹp khác cộng với những điều người ta thường kỳ vọng về công danh. Làm việc ở đây, tôi được nghỉ ngày chủ nhật, và những ngày như vậy tôi thường một mình bắt xe buýt đi chơi phố. Tôi thích ngồi lên xe buýt và đi hết trạn đỗ cuối cùng mới chịu xuống. Tôi nhớ điểm dừng đó và đi dạo chơi một mình cho đến khi nào hết giờ xe buýt mới chiu về. Nơi dừng xe đó gần Văn Miếu Quốc Tử Giam, lúc đó tôi không hiểu cụm từ đó có nghĩa là gì, chỉ biết đó là Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, được xây vào thời nhà Lý. Những tấm bảng khắc toàn bằng chữ Nho, người ta nói trên đó khắc những người học giỏi, đã đỗ đạt. Tôi thích nhìn những tấm bảng đá đó mà chẳng cần hiểu trên đó viết gì. Tôi thấy ông già ngồi giữa một gian thờ, có lẽ đó là ông Khổng Tử vì tôi thấy giống ông Không Tử trong cuốn sách lịch sử của tôi. Thành thói quen, cứ một hay hai tuần gì đó tôi lại đến ngắm những tấm bảng đá một lần. Sự học có thể làm cho con người ta ghi danh đến tận muôn đời hay sao? Câu hỏi đó luôn được đặt ra mỗi khi tôi đến thăm Văn Miếu.
Hà Nội cũng là nơi tôi quen được những người bạn Mường tốt bụng, và thực hiện sự kỳ vọng của họ.- Năm sau đó, tôi không còn làm ở Thanh Xuân nữa, mà qua Hà Đông để làm. Trong nhóm thợ của tôi có ba người bạn là người dân tộc Mường. Thực ra, mấy người thợ làng tôi, và ngay bản thân tôi cũng không thích họ. Bởi vì, họ làm việc chăm chỉ, nhưng mà kém hiệu quả. Những người làng tôi thường gọi họ là: "tọc" - một cách gọi khá miệt thị. Tôi thì không ủng hộ, nhưng cũng không phản đối. Tại vì bữa đó tôi đang bực bội một người trong làng, mà người đó hay sử dụng từ đó để giễu cợt mấy người Mường. Tôi gọi thằng bé Hồng ra một chỗ để nói: "Khi nào hắn gọi em là tọc thì em nói với hắn: Cháu  là "tọc" hả chú? - Chú nhìn xem cháu có thừa thiếu chỗ nào không? Vậy chú là người Kinh chắc chú phải hơn tụi cháu là có thêm cái đuôi thì phải. Và thằng Hồng đã làm thế. Tôi không ngờ những người làng tôi biết câu chuyện này thì không hề ghét tôi, ngược lại càng tôn trọng tôi và không nói chuyện miệt thị với mây người kia nữa. Quan trọng hơn, tôi được quý mến và được mời về nhà những người Mường để chơi. Lúc đó, tôi thi rớt đại học, đang buồn chán vô cùng, thì chính cuộc sống ở đó đã làm khơi dậy niềm tin ở tôi. Tôi được chào đón như là người của cộng đồng họ. Chỉ trong vòng năm ngày đầu đến thôn Đồng Hà - Xã Mị Hòa - Kim Bôi - Hòa Bình, tôi đã làm quen được với tất cả những người trong làng. Gặp gỡ cả người thầy bói: Ông nói tướng tôi rất tốt, sau này sẽ làm lớn lắm, mà đâu biết làm gì? Đặc biệt là vợ chú Hùng, cô quý mến tôi, lấy nước nóng cho tôi rửa mặt khi tôi ngủ dậy, lấy áo ấm của chú cho tôi mặc khi tôi ra ngoài đường - đó là những ngày mùa đông đẹp nhất trong cuộc đời của tôi. Người tôi nhớ nhất vẫn là Thanh, con gái chú Hùng, một vẻ đẹp thánh thiện như chưa từng có một người con gái nào có thể so sánh được, đối với tôi. Tôi nhớ đến một buổi sáng, em mặc chiếc áo khoác màu đỏ, tưới cho những nhành lan đã khô héo sau một tuần em đi học ở ngoài xã. Hình ảnh em đứng bên cạnh hàng rào hoa trinh nữ vào một buổi sáng đẫm sương muối đã khắc ghi vào tâm thức tôi nhiều năm nay. Những ngày sau đó, tôi và em thường lấy xe đạp chở nhau đi lượm củi, đi lấy ngô. Một buổi, tôi và em đi tới một vườn hoa mơ tuyệt đẹp cách nhà khoảng 5 cây số. Tôi không thể miêu tả được bản thân tôi lúc đó, cũng như không biết được em nghĩ gì, nhưng đối với tôi, em chính là mối tình đầu tuyệt đẹp mà tôi chưa bao giờ nói.Sự kỳ vọng của cộng đồng khiến tôi trào dâng khát vọng vào đại học nhưng cũng làm tôi phải xa rời em, điểm số để học ở Hà Nội quá cao, và tôi thì không đạt, tôi thật buồn! Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể gặp lại...!
Sài Gòn thật tôt, tôi đã học được rất nhiều điều từ đây. Nếu Hà Nội là nơi tôi hình thành ước mơ thì Sài Gòn là nơi tôi thực hiện giấc mơ đó.

THÍCH VÀ CHIA SẺ